Gần hai năm hứng chịu sự tàn phá của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khủng hoảng. Chắc hẳn mỗi ngành nghề đều bị ảnh hưởng khác nhau, nhưng có thể nói ngành du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Du lịch toàn cầu đóng băng, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, ở Việt Nam thì ngành nghề này cũng không phải là ngoại lệ. Mới đây, hàng loạt các doanh nghiệp du lịch ở Mũi Né cũng công bố đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không thể trụ nổi nữa. Cùng chúng tôi tìm hiểu các doanh nghiệp này đang đối phó thế nào trước Covid-19.
Chủ resort tự giặt giũ, lau dọn phòng
Ông Trần Văn Bình, Việt kiều Đan Mạch về Bình Thuận đầu tư du lịch tại Mũi Né từ hơn 10 năm nay với cơ ngơi là một resort ven biển Mũi Né gần 100 phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở du lịch của ông lúc nào cũng đạt công suất phòng từ 75% đến 90%. Vào những ngày cuối tuần thì không còn phòng để bán cho du khách. Các dịp lễ lớn, khách đặt kín phòng từ cả 2 tháng trước. Thế nhưng, resort của ông Bình đóng cửa im lìm suốt 3 tháng nay. Để gồng gánh, ông Bình và người thân phải trực tiếp chăm sóc cây xanh; bảo trì trang thiết bị; máy móc và thậm chí là giặt giũ, lau dọn phòng ốc.
“Mấy hôm trước cơ sở của tôi còn duy trì 3 công nhân bảo trì. Nhưng kể từ khi TP.Phan Thiết áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống Covid-19 đến nay; các nhân viên này không di chuyển qua chốt được nữa. Vậy là vợ chồng tôi phải tự làm tất cả để bảo trì cơ sở du lịch của mình”, ông Bình nói. Theo ông Bình, các resort ở Mũi Né đều nằm sát biển nên thiết bị gần hơi nước biển hư hỏng rất nhanh; nhất là máy móc khi không vận hành.
Nguy cơ phá sản hàng loạt doanh nghiệp du lịch ở Mũi Né
Theo ông Trần Văn Bình, hiện nay hàng trăm DN du lịch của Bình Thuận nói chung; Mũi Né nói riêng đang đứng bên bờ vực phá sản. “Những DN đa ngành; họ chỉ tham gia một phần làm du lịch còn có tiền bỏ ra chống đỡ, duy trì cơ sở du lịch của mình chờ cơ hội. Nhưng số này rất ít; nhiều DN du lịch của Bình Thuận hiện nay chủ yếu vay vốn từ ngân hàng để kinh doanh. Mở mắt ra là phải trả lãi ngân hàng rồi; trong khi không làm gì ra tiền”, ông Bình ngao ngán.
Hàng trăm doanh nghiệp du lịch Mũi Né đang đóng cửa “không làm ra một đồng nhưng vẫn phải chi mười đồng”; đẩy họ đối mặt với nguy cơ phá sản.
Ngân hàng hỗ trợ lãi suất không đáng kể
Theo nhà đầu tư này, việc ngân hàng hỗ trợ lãi suất hiện nay không đáng kể; chỉ giúp DN cầm cự, kéo dài thêm chút đỉnh. Nhưng đợt dịch lần này tàn phá nặng nề quá. Không chỉ ở trong nước, mà cả các quốc gia có nền y học hiện đại; là thị trường truyền thống của du lịch Mũi Né như châu Âu, Mỹ cũng bị Covid-19 càn quét.
“Đến thời điểm này, DN nào tồn tại được trong lĩnh vực du lịch đã là quá tốt rồi, nhưng ít lắm”; ông Bình nhận xét.
Còn ông Phạm Quang Hậu, Giám đốc điều hành Sonata Resort & Spa (TP.Phan Thiết); cho biết cơ sở du lịch của ông được chủ đầu tư duy trì một nhóm nhân viên vừa bảo trì thiết bị; vừa chăm sóc cây xanh và kiêm luôn sửa chữa cơ sở vật chất. “Một tháng như vậy mất hàng trăm triệu đồng mhưng điều chúng tôi lo nhất là việc duy trì này cầm cự đến khi nào. Trong khi dịch bệnh ở các nơi vốn là thị trường khách lớn như TP.HCM; Bình Dương, Hà Nội vẫn đang rất phức tạp”, ông Hậu lo lắng.